MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Một số cách mở bài nghị luận văn học cực dễ

Nghị luận văn học có nhiều cách mở bài, có thể dựa vào: thông tin tác giả, tác phẩm; đề tài, chủ đề; nêu phản đề; lí luận văn học; trích dẫn câu nói; so sánh; giai đoạn văn học, nhân vật hoặc hình tượng… Sau đây là một số cách cụ thể:

Cách viết mở bài NLVH cực dễ

1. Mở bài từ thông tin tác giả, tác phẩm

Yêu cầu: Học sinh phải biết một số thông tin tác giả (vai trò, phong cách, đề tài, sở trường), thông tin tác phẩm (năm hoặc hoàn cảnh sáng tác).

Trình tự viết: Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về tác giả và tác phẩm/ nêu ý kiến chung (giới thiệu vấn đề nghị luận – luận đề)/ (Có thể trích dẫn văn bản cần nghị luận).

Để mở bài theo cách này các em phải có thông tin về tác giả, tác phẩm. Bất cứ tác giả, tác phẩm nào các em cũng có thể tìm hiểu thông tin dựa vào một số chỉ dẫn sau:

          (1) Nhân thân: năm sinh – năm mất, tên thật, quê quán… (không dùng trong mở bài)

          (2) Vị trí vai trò trong nền văn học (hoặc nét chính về cuộc đời)

(3) Phong cách sáng tác: các tác phẩm thường có điểm chung này.

(4) Đề tài sáng tác: viết về ai, việc gì…

(5) Sở trường: thành công ở thể loại nào?

Về tác phẩm:

(1)  Hoàn cảnh (hoặc năm) sáng tác

(2)  Đề tài, chủ đề

(3)  Mạch cảm xúc…

Ví dụ 1: Mở bài phân tích bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:

Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng nhất thời trung đại (1). Thơ Bà Huyện Thanh Quan hấu hết được viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật với niêm, luật chặt chẽ, bút pháp điêu luyện, ngôn từ trau chuốt (2). Qua Đèo Ngang là một trong những bài thơ tiêu biểu của bà (3).

Câu (1), câu (2) giới thiệu tác giả và tác phẩm, câu (3) nêu ý kiến chung (giới thiệu vấn đề nghị luận).

Ví dụ 2: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.

Chính Hữu là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp (1). Thơ ông chủ yếu viết về người lính và chiến tranh với lời thơ đặc sắc, cảm xúc dồn nén (2). Ra đời năm 1948, Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Chính Hữu (3). Bài thơ ngợi ca tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng thời kì đầu cuộc kháng chiến (4).

Câu (1) và câu (2) giới thiệu tác giả và tác phẩm, câu (3) và câu (4) nêu ý kiến chung (giới thiệu vấn đề nghị luận.)

2. Mở bài dựa vào thông tin về đề tài, chủ đề

Ngay từ lớp 6 học sinh đã được làm quen với việc xác định đề tài, chủ đề của văn bản ở phần Đọc. Đây là thuận lợi khi giới thiệu đến học sinh cách mở bài này.

Bất kì tác phẩm văn học nào cũng thuộc một đề tài nào đó như trẻ em, phụ nữ, mùa xuân, tình bạn, tình cảm gia đình… Hiểu điều này, người viết sẽ dễ dàng giới thiệu vấn đề một cách rành mạch.

Yêu cầu: Ngoài biết để tài (hoặc chủ đề) của văn bản cần nghị luận, học sinh cần biết thêm một số tác phẩm cùng đề tài (hoặc chủ đề).

Trình tự viết: Giới thiệu đề tài/ liệt kê một số tác phẩm (và tác giả) cùng đề tài/ khẳng định bài thơ (truyện) sẽ nghị luận cũng thuộc đề tài đó/ nêu ý kiến chung (giới thiệu vấn đề nghị luận – luận đề)/ (Có thể trích dẫn đoạn trích cần nghị luận).

Ví dụ 1: Viết bài văn phân tích truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Người lính và chiến tranh là đề tài quen thuộc của văn học cách mạng Việt Nam (1). Đó là Đồng chí của Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng… (2). Ra đời năm 1971, thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt, Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê đã góp phần làm cho đề tài càng phong phú hơn (3). Truyện ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất đáng quý của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa (4).

Câu (1) giới thiệu đề tài, câu (2) liệt kê một số tác phẩm cùng đề tài, câu (3) khẳng định “Những ngôi sao xa xôi” cũng thuộc đề tài đó, câu (4) nêu ý kiến chung.

Ví dụ 2. Phân tích bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) của Nguyễn Khuyến.

Mùa thu là đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Chúng ta từng được bết đến Sang thu của Hữu Thỉnh, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư hay Đây mùa thu tới của Xuân Diệu. Và nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đã đóng góp vào đề tài ấy bài thơ Thu điếu. Đây là một trong những bài thơ tiêu biếu trong chùm thơ thu của ông.

3. Đi từ lí luận văn học – trích dẫn câu nói.

Đây là cách mở bài khó nhất trong ba cách. Nhưng lại gây được ấn tượng nhất cho người đọc. Cách này phù hợp hơn với học sinh khá giỏi, học sinh năng khiếu.

Yêu cầu: HS phải biết một số nhận định văn học – câu nói có liên quan đến vấn đề nghị luận.

Trình tự viết: Trích dẫn nhận định (câu nói)/ khái quát ý nghĩa của nhận định (câu nói)/ giới thiệu tác phẩm, tác giả/ nêu ý kiến chung (giới thiệu vấn đề nghị luận – luận đề)/ (Có thể trích dẫn đoạn trích cần nghị luận).

Ví dụ: Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Thạch Lam từng viết: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật để người đọc trông nhìn và thưởng thức.” (1). Hay nói cách khác, sứ mệnh của nhà văn là đi tìm và phát hiện cái đẹp khuất lấp ở những nơi tưởng chừng như không thể tồn tại cái đẹp để giúp người đọc có cách nhìn nhận, đánh giá cuộc sống, công người và thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn và có ý nghĩa nhất (2). Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một trong những tác phẩm như thế (3). Truyện ca ngợi vẻ đẹp của những con người lao động bình dị trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trong thời kì kháng chiến chống Mỹ (4).

Câu (1) trích dẫn nhận định (câu nói), câu (2) khái quát ý nghĩa của nhận định (câu nói), câu (3) giới thiệu tác phẩm – tác giả, câu (4) giới thiệu vấn đề nghị luận.).

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo