MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Phân tích hình tượng bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân)

I. MỞ BÀI

Xây dựng hình tượng người mẹ là một công việc đòi hỏi sức sáng tạo lớn của các nhà văn. Bởi đó là một tượng đài, một biểu tượng có tính nhân loại. Trong số những nhà văn có công xây dựng những hình tượng người mẹ thì Kim Lân là một ví dụ điển hình. Trong tác phẩm “Vợ nhặt”, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ – một hình tượng nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng khó quên.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ

II. THÂN BÀI

1. Khái quát:

Tác phẩm “Vợ nhặt” trích trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Truyện được viết ngay sau Cách mạng với tên gọi “Xóm ngụ cư”. Nhưng do thất lạc bản thảo nên sau khi hòa bình lập lại, tác giả đã viết lại thành “Vợ nhặt”. Tác phẩm có nhiều nhân vật nhưng nhân vật bà cụ Tứ là nhân vật để lại trong lòng bạn đọc nhiều dư vị nhất.

Hình ảnh người mẹ trong văn học ta cũng đã từng gặp rất nhiều. Đó là người mẹ với gánh hàng rong còm cõi trong “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, người mẹ “không phải hòn máu cắt nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi” trong thơ Chế Lan Viên, người mẹ đầy khổ đau với “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” trong thơ của Tạ Hữu Yên … nhưng người mẹ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân vẫn làm ta rưng rưng xúc động nhất. Bà cụ Tứ – người mẹ nghèo khổ, từng trải, có cuộc đời trải qua nhiều gian truân: chồng và con đều đã mất, gia tài chỉ còn lại túp lều tranh rách nát và thằng con trai xấu xí ngẩn ngơ. Bà đã già, đi đứng “lọng khọng”, sức khỏe đã yếu, vừa đi vừa “húng hắng ho” trong bóng chiều hôm choạng vạng, tê tái. Sự kiện có người đàn bà lạ trong căn nhà vốn chỉ có bà với thằng con đã làm nảy sinh bao sắc thái, bao cung bậc tình cảm khó diễn tả trong cõi lòng bà.

2. Nội dung

a. Kim Lân là nhà văn có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật. Với ngôn ngữ thô mộc, giản dị và nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, nhà văn đã miêu tả một cách thật sâu sắc diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ. Thoạt đầu, bà cụ rất đỗi ngạc nhiên. Có hai lý do để bà ngạc nhiên: thứ nhất vì thái độ của anh Tràng hôm nay quá “đon đả”. Thứ hai là nhân vật “người đàn bà” có mặt ở đầu giường thằng con mình. Sự ngạc nhiên đó đã làm bà phải “phấp phỏng”, rồi đến thái độ “đến giữa sân bà lão đứng sững lại” nhìn kĩ lần nữa. Biết bao câu hỏi cứ bám lấy tâm trí người mẹ tội nghiệp ấy: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Ngạc nhiên đến nỗi bà phải “hấp háy” cặp mắt cho đỡ nhoèn cứ như không thể tin vào mắt mình nữa. Rồi bà “quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu”. Thật tội nghiệp thay cho người mẹ ấy, cái đói và nỗi ám ảnh về chết chóc đã làm cho mẹ mất đi sự nhạy cảm vốn có của người phụ nữ. Đọc đến đây, niềm xúc cảm cứ dâng lên trong lòng ta.

Rồi khi vào nhà, bà băn khoăn ngồi xuống giường. Sau đó, được Tràng giải thích cặn kẽ “Kìa nhà tôi nó chào u”, “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ !”. Bà cụ hiểu ra cơ sự. Để rồi nỗi tủi thân đã hóa thành nước mắt “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Lòng bà ngổn ngang trăm mối, chồng chất bao nỗi niềm suy tư. Bà vừa mừng, vừa lo, vừa tủi.

b. Bà hờn tủi cho mình, xót thương cho các con. Bà là người phụ nữ nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha: Những trang viết xúc động nhất của tác phẩm có lẽ gắn trọn với tâm trạng mừng lo lẫn lộn của bà cụ Tứ. Tấm lòng của một người mẹ thật bao dung và cũng thật đắng cay xa xót. Người đọc có thể nhìn thấy bóng dáng bao bà mẹ thương con đứt ruột trong nỗi lòng bà cụ Tứ. Những xung đột bi kịch được đẩy lên cao trào nhưng cũng được hoá giải phần nào bởi tình thương của người mẹ. Nước mắt mẹ đã lặng lẽ rơi xuống trong mặc cảm thân phận, trong nỗi đau không lo nổi hạnh phúc cho con mình. Bà tủi thân vì cho rằng mình chưa làm tròn bổn phận người mẹ: “chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… ”. Câu văn thật cảm động. Nó vừa nhoi nhói một tình cảm tủi hờn, ai oán cho số kiếp, vừa như cố nén cái cảm giác bất đắc dĩ trước một việc đã rồi, lại vừa rưng rưng, xao xuyến một niềm vui. Bà khóc vì bà cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Vì người mẹ, nào chỉ sinh con ra, nuôi con lớn lên mà còn có trách nhiệm dựng vợ, gả chồng cho con. Rồi khi có cháu, mẹ lại trở thành bà để nuôi dạy cháu. Như vậy, trách nhiệm của người mẹ là trách nhiệm của cả một đời. Vì vậy, sự tủi thân của bà cụ Tứ cũng là điều dễ hiểu.

Từ tủi cho mình, bà chuyển sang xót thương cho các con: Thứ nhất là xót thương cho con trai bà vì bà hiểu rằng “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Thứ hai là xót thương cho người đàn bà, bà cảm thương cho tình cảnh khốn cùng của người con dâu “bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi”. Nghĩ như thế nhưng bà cụ không hề có ý xem thường, rẻ rúng người phụ nữ theo không con mình. Ngược lại, tấm lòng bà đã rộng mở, độ lượng, bao dung. Mẹ ái ngại cho hoàn cảnh của người đàn bà xa lạ, mẹ thương cho con người vất vưởng cùng đường ấy. Đó cũng là lí do tâm trạng người mẹ chuyển biến sang thái cực khác.

Chuyển từ hờn tủi, xót thương bà cụ Tứ thấy mừng lòng. Câu nói nhẹ nhàng sau bao nhiêu nỗi niềm được nén lại của bà mẹ : “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” đã xua tan nỗi phấp phỏng lo âu cho Tràng, xóa đi nỗi bẽ bàng, lo sợ cho người con dâu, trả lại danh dự cho người con gái mang tội “theo trai”. Nên nhớ rằng, Kim Lân dùng chữ “mừng” chứ không phải là “vui”. Mẹ mới chỉ mừng thôi chứ chưa thể vui được vì trước mắt còn phải bao điều lo nghĩ, bao nhiêu việc còn phải lo toan. Và cũng chính câu nói ấy của bà cụ Tứ cùng với cái sự “mừng” của bà đã mở ra một trang đời mới cho người vợ nhặt và cũng chính là mở sang một trang mới cho cuộc sống gia đình bà. Tấm lòng bao dung ấy của người mẹ thật vĩ đại, nhân từ biết bao nhiêu.

c. Tuy nhiên cũng như Tràng, người vợ nhặt, Bà cụ Tứ cũng lo lắng, băn khoăn về tương lai cho đôi vợ chồng. Quả thật, đám cưới của Tràng là một đám cưới nhỏ giữa một đám ma to, một hạnh phúc nhỏ nhoi giữa một niềm tang tóc lớn. Cho nên mối lương duyên ấy quả như một tấn bi hài. Nó vừa không nên đáng có, lại vừa nên đáng có. Kim Lân soi vào tình cảnh ấy bằng chính suy nghĩ của bà cụ Tứ với bao chua chát : “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Nghĩ về cuộc đời mình bà lại càng lo cho con “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Lần thứ hai, người mẹ nghèo khổ ấy phải quay đi, lén giấu những giọt nước mắt lo lắng, tủi buồn của mình “Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá. Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Nước mắt lo lắng của mẹ chính là lòng yêu thương con vô bờ bến. Thật đáng tự hào và quý trọng biết bao.

d. Bằng sự từng trải của người mẹ, bà cụ khuyên nhủ, động viên con những điều chí tình, đôn hậu, tràn đầy niềm lạc quan. Bà cụ Tứ là người luôn có niềm tin vào cuộc sống. Là người mẹ từng trải, cuộc đời qua nhiều thăng trầm, biến cố nên bà là chỗ dựa niềm tin cho đôi bạn trẻ. Triết lý “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời” từ ngàn đời xưa, nay được sống dậy và đầy lạc quan nơi người mẹ nghèo khổ ấy. Bà đã mang lại hơi ấm cho cả nhà: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”. Chất chứa trong câu nói đầy tình yêu thương ấy là niềm tin của bà về cuộc sống phía trước. Không tàn lụi, không mất niềm tin là đức tính quý báu của nhân dân ta mà tiêu biểu đó là bà cụ Tứ. Đó là niềm tin “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Cho nên lời khuyên ấy của người mẹ là món quà vô giá, gói trọn bao tình yêu thương vô bờ của bà dành cho các con. Tấm lòng người mẹ ấy cao đẹp biết nhường nào!

Điều đáng nói ở đây là sau khi anh cu Tràng có vợ, tâm trạng của bà cụ Tứ đổi thay tích cực. Bà là người luôn có lòng lạc quan, có niềm tin vào tương lai phía trước. Bà dậy sớm cùng con dâu thu dọn nhà cửa như để đón chào một cuộc sống mới tươi vui hơn “làm ăn có cơ khấm khá hơn” đang mở ra ở phía trước. Dáng vẻ, tâm thế của bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác hẳn ngày thường. Tràng nhận rõ sự biến chuyển khác thường đó “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa”. Phải chăng luồng gió mới của niềm tin đã thổi vào cuộc sống của những con người năm đói?

Trong truyện, có một chi tiết được nhà văn miêu tả cảm động : Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Nhà văn miêu tả “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo” nhưng tất cả đều ăn rất ngon, vui vẻ. Bà cụ Tứ vẫn tươi cười, chuyện trò rôm rả, thân mật với hai con. Bà lão nói “toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này: Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. Câu chuyện về “đàn gà” như một triết lý sống của bà và cũng là niềm tin vào cuộc sống tương lai của đôi vợ chồng son. Cái cách bà nói, cái cách bà gieo niềm tin vào các con thật tự nhiên “Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. Đói khát, chết chóc không ngăn được sự sinh sôi. Cũng có nghĩa rằng hai con của bà rồi cũng con đàn cháu đống, cuộc sống lại nối tiếp, lại mở ra bao điều tốt đẹp. Niềm tin ấy trong hoàn cảnh này thật đáng quý biết bao.

Bà tự hào vì nồi “chè khoán” mà thực ra là nồi cháo cám để đãi nàng dâu mới đã khiến người đọc cảm động đến ứa nước mắt vì tình cảm của người mẹ nghèo khổ ấy. Sự tồi tàn của bữa ăn trong tương phản niềm vui của họ. Họ đều “ăn rất ngon lành” và “vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn gia cảnh”. Họ gắn bó nhau và yêu thương nhau hơn. Tràng trở nên ngoan ngoãn và nghe lời mẹ. “Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại hòa hợp thế”. Tầm quan trọng của bữa ăn đầu thật rõ. Nhưng “tiệc cưới” kéo dài không lâu, mỗi người chỉ được hai lưng cháo “lõng bõng”. Màn cuối của bữa hòan toàn phũ phàng khiến mọi người nhớ đến thực tại khắc nghiệt. Cô dâu đón lấy bát ăn và “đưa lên mắt nhìn” rồi “ hai con mắt thị tối lại” vì cảm nhận tận cùng cái cơ cực của cuộc sống mới. Nhưng thị đã “điềm nhiên và vào miệng”. Hình ảnh ấy có thể nói là nỗi khổ đau của cả một dân tộc vào năm đói. Nhưng khổ đau ấy cũng đã bị xóa sạch đi bởi bà cụ Tứ luôn tươi tỉnh trù tính câu chuyện làm ăn, gắng hết sức để thắp lên cho hai con ngọn lửa của niềm tin, lạc quan yêu sống. Về điều này, Kim Lân khẳng định “Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống”. Tinh thần nhân bản của tác phẩm tỏa sáng ở đây.

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, đối thọai sinh động, hấp dẫn; ngôn ngữ mộc mạc giản dị, gắn với khẩu ngữ nhưng được chắt lọc kĩ lưỡng, tạo sức gợi đáng kể; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo…

III. KẾT BÀI

Tóm lại, với một nghệ thuật tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc, chi tiết đặc sắc. Kim Lân đã diễn tả được tâm lí của bà cụ Tứ, một bà cụ nông thôn nghèo khổ mà hiểu biết, yêu thương con và yêu thương cả những cảnh đời oái oăm, tội nghiệp bằng một tấm lòng nhân ái cảm động. Bà được nhà văn xây dựng như là biểu tượng cho người mẹ Việt Nam xưa và nay.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo