MỖI CLICK VÀO QUẢNG CÁO SẼ GIÚP CHÚNG TÔI PHỤC VỤ CÁC BẠN TỐT HƠN

Phân tích khổ thơ 1 và 7 của Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận)


Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm
                                                Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa?
                                                                                                            (Mai sau)
          Trước cách mạng tháng tám, thơ Huy Cận thường u sầu ảo não. Nhưng từ khi cách mạng tháng tám thành công đã tiếp thêm cho thơ ông một luồng sinh khí mới, những trang thơ dạt dào niềm vui khi viết về cuộc sống mới, con người mới. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là một tác phẩm như thế. Nó đã ghi lại cuộc hành trình đẹp đẽ của đoàn thuyền: ra khơi lúc hoàng hôn, đánh cá lúc trăng lên và trở về lúc bình minh. Nhưng có lẽ khung cảnh đẹp đẽ và hùng vĩ nhất là lúc đoàn thuyền được thể hiện rõ trong khổ thơ đầu và khổ thơ cuối:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
.........................................
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
         Cả bài thơ là một khúc ca, nhưng đó không chỉ là khúc ca lao động mà còn là tiếng hát ngợi ca thiên nhiên, ngợi ca biển cả giàu đẹp của quê hương. Thật vậy, thiên nhiên trong bài thơ đẹp như một bức tranh sơn mài lóng lánh một sắc màu rực rỡ, cảnh biển trời được giới thiệu một cách tài tình, sống động:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then đêm sập cửa”
           Bằng mắt quan sát tỉ mỉ và tâm hồn thơ, tác giả đã tả cảnh chiều tà trên mặt biển thật đẹp, thật nên thơ. Thời gian bắt đầu công việc đánh cá được nhà thơ giới thiệu thật rõ ràng, đó là buổi hoàng hôn, khi ông mặt trời đã chuyển sang màu đỏ như hòn lửa và dần dần chìm xuống lòng đại dương , nhường lại không gian cho đêm đen. Trong hai câu thơ, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa. So sánh “mặt trời” buổi chièu tà trên mặt biẻn với “hòn lửa”  khổng lồ ấm nóng, thật kỳ vĩ . Nhân hóa “sóng “ “cài then” và “đêm sập cửa” , sóng như những cái then cài cửa màn đêm  và màn đêm là cánh cửa khổng lồ,ta thấy rõ thời gian đang trôi, từ cảnh chạng vạng lúc hoàng hôn, màn đêm đã bắt đầu buông xuống. Kết thúc một ngày. Đất trời, vũ trụ như chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi.Nghệ thuật nhân hoá và so sánh được sử dụng thật tài tình .Đọc hai câu thơ, ta cứ tưởng là vũ trụ đã vào thời khắc nghỉ ngơi. Không đâu, vũ trụ hay thiên nhiên vẫn đang chuyển động không ngừng Những động từ “cài”, “sập” được sử dụng thật tài tình. Cái tài tình của tác giả còn thể hiện ở chỗ “song”, “đêm” là những sự vật vốn vô hình lại bỗng trở thành một cái hữu hình. Trái ngược với đó là hình ảnh của đoàn thuyển đánh cá..
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Con người và đất trời như đối lập nhau về hành động khiến ta càng thấy được khí thế và nhiệt tình lao động của con người. Lao động đánh cá trên biển trong đêm là một công việc nặng nhọc và đầy nguy hiểm, thế mà đoàn thuyền ra đi  trong tiếng hát. Nhịp thơ nhanh mạnh như một quyết định dứt khoát. Đoàn ngư dân ào xuống đẩy thuyền ra khơi và cất cao tiếng hát khởi hành. Từ “lại” vừa biểu thị sự lặp lại tuần tự, thường nhật, liên tục mỗi ngày của công việc lao động vừa biểu thị ý so sánh ngược chiều với câu trên: đất trời vào đêm nghỉ ngơi mà con người bắt đầu lao động, một công việc lao động  không ít vất vả. Tiếng hát tràn ngập không gian bao la, tiếng hát vang lên trong tâm tư người đánh cá, trong niềm say mê sự giàu đẹp của biển cả quê hương:
Tiếng hát căng buồm cùng gió khơi.
          Gió căng buồm chứ đâu phải câu hát ?  Hình ảnh “câu hát căng buồm” - cánh buồm căng gió ra khơi- là ẩn dụ cho tiếng hát của con người có sức mạnh làm căng cánh buồm. Câu hát là niềm vui, niềm say sưa hứng khởi của những người lao động lạc quan yêu nghề, yêu biển và say mê với công việc chinh phục biển khơi làm giầu cho Tổ quốc. Đó là một ẩn dụ hay, biến cái ảo thành cái thực tạo khí thế phơi phới, mạnh mẽ của đoàn thuyền và niềm vui, sức mạnh người lao động trên biển, làm chủ cuộc đời đang chinh phục biển khơi.
          Thiên nhiên đã trở thành người bạn đồng hành với con người lao động. Vẫn mang nét tráng lệ, kì vĩ nhưng khác với hình ảnh mặt trời hoàng hôn ở phần đầu bài thơ, hình ảnh mặt trời ở phần cuối bài thơ lại là linh hồn của buổi bình minh và đồng hiện cùng với sự cập bến đầy tốt lành của đoàn thuyền đánh cá.
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
          So sánh với khổ thơ thứ nhất, trình tự sắp xếp sự vật trong khổ thơ này có sự thay đổi: Vẫn dùng bút pháp lãng mạn, tác giả lặp lại ý thơ “Câu hát căng buồm cùng gió khơi” vẫn là tiếng hát khỏe khoắn của người ngư dân hòa trong gió, thổi căng cánh buồm lạc quan ra khỏi đêm trước, nay lại cùng đòan thuyền đầy ặp cá trồ về trong khúc khải hoàn. Hình ảnh đoàn thuyền được nói đến trước, hình ảnh mặt trời được nói đến sau, đối lập với khổ thơ đầu “mặt trời xuống biển” là điều chú ý trước thời điểm đoàn thuyền ra khơi. Trong khổ cuối đòan thuyền trở về như nắm hiệu đánh thức vũ trụ được nói đến trước để từ đáy biển “mặt trời đội biển nhô màu mới”.Tuy nhiên cảnh tượng sau một đêm lao động khẩn trương và thắng lợi giờ đã trở nên náo nức, sinh động hơn.
                                                 “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”
          Hình ảnh trong thơ rất hiện thực mà cũng rất hào hùng. Mặt trời như từ đáy biển sâu, đội biển mà mọc lên rồi cùng đòan thuyền đi tới. Thuyền đi trước mặt trời theo sau, thuyền chạy đến đâu mặt trời soi theo đến đấy. Điều này cũng phản ánh một thói quen lâu đời của ngư dân là đưa cá về bến trước khi trời sáng đồng thời cũng nói lên khí thế đi lên mạnh mẽ của họ trong công cuộc xây dựng đất nước. Hòa cùng niềm vui to lớn của mọi người, nhà thơ chắp cánh cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Đoàn thuyền lao vun vút trên mặt biển, “Mặt trời đội biển nhô màu mới”, một màu hồng rạng rỡ, tinh khôi, và ánh mặt trời phản chiếu trong muôn ngàn mắt cá trên thuyền, khiến nhà thơ liên tưởng tới hàng ngàn mặt trời nhỏ đang tỏa sáng niềm vui. Đến đây, bức tranh biển cả ngập tràn sắc màu tươi sáng và ăm ắp chất sống trong từng dáng hình, đường nét của cảnh,của người . Khổ thơ thể hiện một khung cảnh lao động đầy khí thế của con người, khung cảnh của cuộc sống mới trong ánh sáng mới rực rỡ.Không gian hùng vĩ đoàn thuyền đầy ắp cá một mối liên tưởng chợt đến với nhà thơ: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”. Vì sao “mắt cá huy hoàng”? Hòa cùng niềm vui to lớn của mọi người nhà thơ chắp cánh cho trí tưởng tượng bay bổng. Trong màu hồng rạng rỡ ánh mặt trời phản chiếu trong muôn ngàn mắt cá, bao nhiêu mắt cá từ có bấy nhiêu vầng mặt trời nhỏ đang tỏa sáng niềm vui. Trí tưởng tượng của nhà thơ chợt mở rộng mênh mông biển bao la, đâu đâu cũng náo nức những đòan thuyền trở về. Cả không gian rực rớ ánh mặt trời cả đất trời xôn xao tiếng gió và tiếng hát.

          Bài thơ có rất nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật. Mỗi khổ gồm bốn câu như thơ tứ tuyệt nghiêm trang, chặt chẽ với cách gieo vần biến hóa. Nhịp điệu, nhạc điệu lúc sôi nổi, lúc ngân nga say sưa lâng lâng … Nhưng bao trùm và chi phối tất cả vẫn là bút pháp lãng mạn của một trí tưởng tượng dồi dào trong việc xây dựng những hính ảnh thơ mới lạ, độc đáo, đầy sức gợi cảm. Về mặt nghệ thuật đây là một thành một thành công nổi bật của thơ ca hiện đại Việt Nam.
           “Đoàn thuyền đánh cá” hiện ra trước mắt chúng ta là một bài thơ lấp lánh trăng đêm, ánh mai hồng, một bản nhạc trầm bổng với âm điệu nhẹ nhàng thanh thoát, một bức tranh về quê hương hùng vĩ, ca ngợi những con người cần cù, gan góc ngày đêm làm giàu cho đất nước. Tất cả những điều đó được phản ánh bằng ngòi bút tái hoa lãng mạn, rung động dạt dào trước biển trời tự do, hòa bình và trước viễn ảnh tươi đẹp của thời kỳ xây dựng kinh tế.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên kết

Quảng cáo